1. Lập dàn ý nghị luận về câu nói “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”
a. Mở bài
Tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời mỗi con người. Bởi với tuổi trẻ có rất nhiều hoài bão và đam mê, quan trộng là tuổi trẻ con người ta luôn luôn có khát khao chiếm lĩnh và dám thử sức mình để đạt được những thành công, mặc dù tương lai còn rất nhiều chông gai cũng như thử thách.
b. Thân bài
Giải thích và bình luận xen kẽ.
Một năm khởi đầu từ mùa xuân:
– Theo quy luật của thiên nhiên, mùa xuân mở đầu cho năm mới với mọi sự tôt lành. Mùa xuân là mùa đầy sức sống, vạn vật xanh tươi, lòng người phấn khởi, náo nức.
– Mùa xuân đem lại niềm vui và hi vọng.
Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ:
– Tuổi trẻ là giai đoạn đẹp nhất của đời người: sức khỏe sung mãn, trí tuệ sáng suốt, giàu ước mơ, khát vọng, có nhiều khả năng hành động để thực hiện lí tưởng và mục đích.
– Con người muốn tạo dựng sự nghiệp phải bắt đầu từ tuổi trẻ.
Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội:
– Ở bất cứ xã hội nào, tuổi trẻ cũng là rường cột của cả nước trong mọi lĩnh vực.
– Tuổi trẻ có vai trò to lớn với vận mệnh quốc gia, dân tộc.
– Vì vậy tuổi trẻ phải có lí tưởng cao đẹp, có lối sống lành mạnh, hữu ích. Tránh lối sống tiêu cực làm phí hoài tuổi trẻ.
– Tuổi trẻ thường ôm ấp những lí tưởng, hoài bão lớn lao trong mình và luôn luôn làm việc rất nhiệt huyết để đạt được thành công. Như những cánh chim bằng, tuổi trẻ muốn được thử sức với trời cao, biển rộng… Những ước mơ, khát vọng tốt đẹp nảy sinh và trở thành động lực thúc đẩy hành động để đạt tới mục đích cuối cùng cũng đều bắt đầu từ tuổi trẻ. Với tuổi trẻ, mọi khó khăn đều không đáng ngại. Ngược lại, khó khăn được coi như là những thử thách cần thiết cho ý chí, nghị lực và sáng tạo. Con người muốn tạo dựng sự nghiệp cho mình phải bắt đầu từ tuổi trẻ là tuổi dám nghĩ, dám làm và có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện những ước mơ.
– Ở xã hội nào, tuổi trẻ cũng là lực lượng xung kích trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Trên đồng ruộng, trong xưởng máy và các lĩnh vực khoa học kĩ thuật… tuổi trẻ giữ vai trò quan trọng sản xuất ra của cải vật chất phục vụ đời sống. Nơi biên giới, hải đảo xa xôi, các chiến sĩ trẻ ngày đêm nắm chắc tay súng, bảo vệ biển trời Tổ quốc. Khắp nơi trên đất nước này, đâu đâu cũng có lực lượng thanh niên làm nòng cốt, làm đội quân tiên phong.
– Chính vì tuổi trẻ có vai trò to lớn đối với một quốc gia, dân tộc như vậy nên Bác đã coi Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Chúng ta phải biết sử dụng tuổi trẻ sao cho có ích. Có ích cho bản thân, gia đình và đất nước. Muốn vậy, mỗi người phải phấn đấu, tu dưỡng không ngừng trong học tập và công tác. Trước hết, nên xác định cho mình một lí tưởng cao đẹp: phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ đó, định hướng cho mọi hành động trong suốt cuộc đời.
c. Kết bài
– Lời dạy của Bác thật chí tình, thể hiện tình thương yêu và niềm tin to lớn của Bác đối với thế hệ trẻ.
– Thanh thiếu niên cần thấm nhuần lời dạy của Người: học tập tốt, rèn luyện tốt để xây dựng đất nước.
2. Nghị luận về câu nói “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”
Mùa đông giá rét, cây cối trơ cành sẽ qua đi, nhường bước cho mùa xuân với sức sống mãnh liệt, làm biến đổi cả đất trời. Và đến lúc mùa xuân cũng trôi qua, mùa hạ nồng nàn kéo đến… Cũng như quy luật của thiên nhiên, con người sinh ra, lớn lên và già đi, rồi một ngày kia trở về với cõi vĩnh hằng. Xuân của thiên nhiên qua đi rồi trở lại, nhưng tuổi trẻ của mỗi người chỉ có một lần. Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất, khỏe nhất và tươi sáng nhất của mỗi con người, vì thế tuổi trẻ thật quý giá. Hơn nữa, tuổi trẻ còn là mùa xuân, niềm tin và hi vọng của đất nước. Chính vì vậy, trong thư gửi thanh niên và nhi đồng cả nước nhân mùa xuân năm 1946, Tết mở đầu cho một nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Câu nói ngắn gọn nhưng đẹp như một lời thơ, ca ngợi tuổi trẻ của xã hội, đất nước.
Một sớm kia thức dậy, nghe tiếng chim hót trong veo, cành mận ngoài vườn lung linh hoa trắng dưới làn mưa bụi đang bay, ta chợt thốt lên: “Ôi mùa xuân!” Mùa xuân xét theo thời gian là mùa mở đầu cho một năm. Xuân về trăm hoa đua nở, khí hậu ấm áp, cây cối đâm chồi… Vì vậy mùa xuân gợi lên trong ta ý niệm về sức sống, hi vọng, niềm vui và hạnh phúc.
Riêng đối với dân tộc Việt Nam, xuân còn gợi lại những chiến công oanh liệt của cha ông, khơi dậy trong lòng niềm tự hào sâu sắc. Làm sao quên được mùa xuân năm 1077, Lí Thường Kiệt đánh tan bốn vạn quân Tống xâm lược; mùa xuân năm 1428, đưa đất nước thoát khỏi sự đô hộ của giặc Minh. Chúng ta cùng hòa mình vào không khí hào hùng, tưng bừng của mùa xuân năm 1789; khi đó người anh hùng áo vải Quang Trung đại phá hơn hai mươi vạn quân Thanh. Ta hãy cùng sống lại mùa xuân năm 1975 với niềm tự hào, sung sướng; mùa xuân của độc lập tự do, mùa xuân của thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.
Tuổi trẻ của đời người dường như thống nhất với mùa xuân của thiên nhiên, cũng gợi lên ý niệm về sức sống, niềm vui tương lai và hạnh phúc tràn đầy. Ở tuổi hai mươi đầy nhiệt huyết, lòng hăm hở vui sướng bước vào đời, dù biết mình đang bị tù đày và có thể chết, Tố Hữu vẫn say sưa với tuổi xuân của mình:
“Hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa.”
Tuổi trẻ là tuổi phát triển rực rỡ nhất về thể chất, tài năng, trí tuệ… bao giờ cũng muốn vươn lên cái đẹp nhất, hay nhất, tiên tiến nhất, cao thượng nhất (Lê Duẩn). Tuổi trẻ là tuổi hăng hái, sôi nổi, giàu nhiệt tình, giàu chí tiến thủ, có thể vượt qua khó khăn gian khổ để đạt được mục đích và ước mơ. Bác kính yêu của chúng ta, từ ngày còn rất trẻ đã ôm ấp trong lòng một hoài bão và ước vọng lớn lao: tìm đường cứu nước. Chàng trai Nguyễn Tất Thành đã vượt qua biển cả, gió rét thành Pari, Luân Đôn để cuối cùng tìm được con đường cách mạng và giải phóng dân tộc Việt Nam. Học tập gương Bác, hiện nay nhiều thanh niên đang cố gắng vươn lên, bằng lòng quyết tâm và nghị lực mãnh liệt, vượt qua những khó khăn thực tại của đất nước, tự tạo cho mình một tương lai tươi sáng và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Tuổi trẻ của mỗi người cùng góp lại sẽ tạo thành mùa xuân của xã hội. Thế hệ trẻ là sức sống, niềm hi vọng và tương lai của đất nước. Ngược dòng thời gian, ta nhớ đến tuổi trẻ quật khởi của cậu bé Thánh Gióng đã đánh tan giặc Ân từ thời vua Hùng dựng nước. Tuổi trẻ Đinh Bộ Lĩnh với cờ lau dẹp tan mười hai sứ quân, đem lại sự thống nhất đất nước. Tuổi trẻ trung dũng của Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng làm cho giặc Nguyên Mông kinh hồn bạt vía. Tuổi trẻ của “Anh Nhỏ” Kim Đồng, của ngọn đuốc sáng Lê Văn Tám, của người con gái đất đỏ Võ Thị Sáu đã làm cho giặc phải cúi đầu kính phục. Tuổi trẻ của bao anh hùng liệt sĩ đổ xương máu để tô thắm lá cờ Việt Nam… Sức mạnh thanh niên là sức mạnh của dân tộc, chính sức mạnh đó góp phần tạo nên cuộc sống mới, xã hội mới và tương lai mới cho đất nước.
Ngày nay, tuổi trẻ có sự đóng góp rất lớn là lực lượng đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh. Thanh niên hôm nay là những người rất xứng đáng với cha anh đi trước. Những người lính trẻ nơi hải đảo xa xôi đang ngày đêm canh giữ biển trời đất mẹ Việt Nam, trái tim họ vẫn ngân vang bản tình ca, dệt nên những bản nhạc tuyệt vời và chính cuộc đời họ là những bài ca mùa xuân đất nước. Chúng ta tự hào biết bao tuổi trẻ Việt Nam!
Đất nước, xã hội đặt niềm tin vào thanh niên; vậy thanh niên phải làm gì để xứng đáng với niềm tin ấy? Bạn nghĩ cần phải làm gì thật to lớn ư? Không đâu, bạn hãy làm tốt những công việc bình thường, hãy cố gắng học tập và tu dưỡng đạo đức của chính mình. Trong học tập và lao động cần không ngừng sáng tạo để cống hiến nhiều nhất cho xã hội, cho đất nước.
Thanh niên hôm nay cần sống có mục đích, có lí tưởng cao cả. Lí tưởng ấy phải ở suy nghĩ, lời nói và những hành động cụ thể. Thanh niên sống không có lí tưởng cũng như con thuyền không có bến, như con sóng bạc giữa biển khơi, như lá xanh không có nhựa sống, như con ngựa không có người cầm cương…, rồi sẽ không biết đi đâu về đâu.
Chúng ta buồn biết bao khi tuổi trẻ đang góp sức tạo thành mùa xuân của xã hội thì có một số thanh niên tự hủy diệt mùa xuân của mình. Chúng ta cần phải nghiêm khắc phê phán những con người đã để tuổi trẻ của mình bên góc phố, lề đường, trong các quán cà phê, bữa tiệc ồn ào hay trong các thú vui vô bổ, tầm thường. Và thật tiếc, còn rất nhiều thanh niên chưa có niềm tin vào bản thân mình, chưa biết vươn lên trong cuộc sống, chưa chọn cho mình một lí tưởng để theo đuổi, phấn đấu. Chính họ đã để ngày xuân của mình khô héo, tàn lụi hay để nó trôi đi và cứ mòn mỏi dần. Tuổi xuân của họ lãng phí có nghĩa là mùa xuân của xã hội đã bớt tươi thắm, rực rỡ. Thật đáng thất vọng biết bao!
Nửa thế kỉ đã trôi qua, hôm nay đọc lại, ta vẫn thấy lời Bác chân thành, sâu sắc. Bác nhắc nhở chúng ta phải biết tự rèn luyện, phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống để có tương lai tươi sáng. Bằng tài năng, ý chí, nghị lực của bản thân, chúng ta phải biết sống có mục đích và lí tưởng cao đẹp, để tuổi trẻ của chúng ta thực sự là mùa xuân của xã hội.
3. Bàn luận về câu nói “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”
Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán năm, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một năm khởi đầu từ muà xuân. Một đời khởi từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Theo qui luật tuần hoàn của thiên nhiên, ta thấy muà xuân vừa là cái kết thúc cho một năm cũ vừa mở đầu cho một năm mới. Mùa xuân mang laị sự ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, xanh tươi đầy sức sống. Và con người thời trai trẻ khi bước vaò muà xuân cũng cảm thấy mình lớn hơn, cơ thể, trí tuệ, tư duy cũng phát triển hơn và cả ước mơ khát vọng của tuổi trẻ cũng tràn đầy mãnh liệt hơn. Như vậy sự liên tưởng giữa muà xuân và tuổi trẻ trong câu viết cuả Bác là hết sức logic và thực tiễn; ở đây Bác đã rất đề cao vai trò của thanh niên trong xã hội, chính họ sẽ là những người sẽ làm đất nước tươi đẹp như muà xuân. Điều đó được chứng minh trong những trang sử chống ngoại xâm cuả dân tộc ta, biết bao thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tại sao họ có thể hoàn thành được sứ mệnh vinh quang đó bằng xương máu mà không chút e ngại, bơỉ họ có lý tưởng sống đúng đắn và cao đẹp: Tất cả cho Tổ quốc quyết sinh. Nhưng với hoàn cảnh sống, một môi trường sống khác tốt hơn, hạnh phúc hơn, yên bình hơn thì lý tưởng của thanh niên ngày nay là gì?
Có người nói rằng lý tưởng của thanh niên là làm giàu và điều đó đã được một số ngươì hưởng ứng cổ vũ cho rằng là lẽ sống của thanh niên. Thật ra đó là một điều sai lầm, lý tưởng luôn là một caí gì đó cao cả, hướng con người đến cái khát vọng lớn lao mà không nằm ngoài mục đích mang lại lợi ích cho dân tộc mình. Mỗi thanh niên luôn có quan niệm riêng về lý tưởng, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, trình độ, cách sống của mình nhưng nếu lý tưởng đó phục vụ cho riêng lợi ích cá nhân của mình thì chỉ là lối sống vị kỉ, cá nhân. Còn lý tưởng đó phù hợp với xu thế chung của đại đa số thanh niên và vì mục đích trên thì đó chính là lý tưởng. Cũng giống như cái chung và cái riêng, lý tưởng riêng của mỗi thanh niên phong phú hơn lý tưởng chung nhưng lý tưởng chung bao quát và sâu sắc hơn. Và lý tưởng chung đó chính là xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước vững mạnh cũng như tự gắm mình vào nhiệm vụ chống đói nghèo, lạc hậu, nuôi dưỡng bản thân, gia đình, đưa đất nước phát triển và hội nhập cùng quốc tế.
Nhưng thực tế hiện nay, khi đất nước có nguy cơ tụt hậu vế kinh tế, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng thì thanh niên chưa chứng tỏ đầy đủ vai trò, trọng trách của mình trước sứ mệnh của đất nước. Đó là một bộ phận thanh niên sống mờ nhạt. Dưới tác động của cơ chế thị trường, nhiều thanh niên đã chạy theo lối sống thực dụng của đồng tiền, lo ăn chơi, hưởng thụ, lao vào các tệ nạn xã hội. Và điều đó đã được phản ảnh qua thông số thống kê trong tổng số người nghiện ma tuý thì thanh niên chiếm hơn 70%; cả nước có 63000 ngươì bị nhiễm HIV thì thanh niên chiếm hơn 61%. Môĩ năm trong cả nước có từ 1, 2 triệu đến 1, 4 triệu ca nạo phá thai thỉ lứa tuổi thanh niên chiếm hơn 25%; 70, 1% sinh viên nam và 62% sinh viên nữ ở thành phố coi sinh hoạt tình dục là trò giải trí; 30% – 40% nam nữ thanh niên từ 15 – 25 tuổi thưà nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân. Một điều không khỏi phải nhắc đến là tội phạm trong con cái những người có chức quyền có nguy cơ gia tăng, những thanh niên này thường được bố mẹ nuông chiều, thiếu sự giáo dục, lại cậy quyền thế, giàu có nên sống buông thả.
Cùng với việc gia tăng tội phạm trong thanh niên, thì nạn chảy máu chất xám trong giới trí thức thanh niên hiện nay cũng đang trở thành một vấn đề bức xúc. Nhiều thanh niên sau khi được nhà nước cho di du học bằng tiền của nhân dân đã định cư nước ngoài không trở về, hoặc có trở về thì cũng đi làm cho các lien doanh nước ngoài để thu nhập cao. Có lẽ nguyên nhân do hoàn cảnh kinh tế, do ta chưa biết trọng nhân tài, thì điều quan trọng phải là do chính họ chạy theo lý tưởng sống thực dụng của đồng tiền mà quên đi đất nước – chính là nơi mình đã được sinh ra và nuôi dưỡng nên ngươì. Thay vì họ phải chung sức lực, trí tuệ cùng nhân dân xây dựng, phát triển đất nước thì họ lại chạy theo lối sống cá nhân, hưởng thụ.
Hồ Chí Minh đã tửng dạy thanh niên: “Chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn được thắng lợi trên đất nước ta. ” Vì vậy kế thừa lời dạy về lý tưởng cho thanh niên của Bác, kết hợp với thực tiễn ngày hôm nay của đất nước, thanh niên có thể xây dựng cho mình một lý tưởng: Không ngừng phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành nước ” Dân già, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tất nhiên sự nghiệp to lớn này là của toàn dân tộc nhưng thanh niên giữ vai trò quan trọng, bởi sự nghiệp này không phải một sớm một chiều mà đạt được; cần có thời gian, ngắn hay dài phụ thuộc vào sự phấn đấu của chúng ta. Thanh niên là lớp người trẻ tuổi sẽ kế tục và biến sự nghiệp này thành hiện thực.