Theo đó, đề án sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh mầm non; xây dựng lộ trình đưa học sinh lớp 3, 4, 5 từ các điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm; giảm dần các điểm trường lẻ một cách hợp lý; nâng cao chất lượng đầu vào các cấp học; huy động tối đa số học sinh trong độ tuổi ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần; bố trí lồng ghép các nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu…
Sau 5 năm thực hiện, đề án đã đạt được những kết quả rất khả quan. Trong năm học 2020-2021, nhiều ngôi trường, lớp học, nhà bán trú và công trình phụ trợ… của các trường thuộc 74 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu đều được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp khang trang hơn so với những năm học trước. Bên cạnh đó, nhằm giúp các học sinh dân tộc thiểu số tăng cường sử dụng tiếng Việt, ngành giáo dục tỉnh Lai Châu đã tổ chức cho trẻ mầm non, tiểu học học 2 buổi/ngày; thành lập câu lạc bộ tiếng Việt… Để thu hút học sinh đến trường, các nhà trường đã tích cực tổ chức đa dạng các hoạt động tập thể, như: Thành lập và duy trì hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức tìm hiểu pháp luật, văn hóa, lịch sử địa phương; hướng dẫn học sinh vệ sinh, lao động, tôn tạo cảnh quan nhà trường, lớp học… từ đó hình thành cho học sinh các kỹ năng sống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đề án còn một số hạn chế như việc tham mưu xây dựng hệ thống chỉ tiêu chưa sát nên đến nay, một số chỉ tiêu chưa đạt được. Chỉ tiêu về tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và học sinh chuyên cần toàn tỉnh theo báo cáo đạt và vượt, song ở một số trường đạt thấp ở cấp THPT, THCS. Đặc biệt, việc sắp xếp, ưu tiên về nhân lực cho các trường đặc biệt khó khăn chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra tại một số huyện; cơ cấu giáo viên có nơi chưa hợp lý…
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tiến Hóa, Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Tôi cho rằng, “Đề án nâng cao CLGD vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020” đã góp phần nâng cao CLGD, đặc biệt là ở những xã vùng sâu, vùng xa, xã khó khăn. Mặc dù Nghị quyết số 34 xác định đề án thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện việc nâng cao CLGD vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục xây dựng những đề án về đổi mới, nâng cao CLGD, tuy nhiên các đề án cũng cần tăng mức hỗ trợ đối với các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng mức hỗ trợ nhân viên nuôi dưỡng và tăng kinh phí để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của các trường học… Có như thế mới giúp giáo viên yên tâm bám lớp để đưa con chữ đến với các học sinh dân tộc thiểu số”.
TRƯỜNG ĐOÀI
Trả lời