LTS: Trong những năm trở lại đây, vấn đề triết lý giáo dục (TLGD) được nhắc tới nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa có TLGD tường minh, nên những định hướng trong cải cách giáo dục thời gian qua chưa hiệu quả. Để cùng hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có những cuộc trao đổi, phỏng vấn với các chuyên gia, những thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục đã dành tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của nước nhà để ghi nhận các ý kiến phân tích, chia sẻ với mong muốn góp phần tháo gỡ những tồn tại; làm sáng rõ giá trị cốt lõi của giáo dục Việt Nam; sáng rõ con đường, sự phát triển nền giáo dục của đất nước trong tương lai.
Khi nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đặt vấn đề trao đổi về TLGD, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng: Dù không dễ xác định TLGD, nhưng việc nghiên cứu về TLGD Việt Nam không ngoài mục đích phát triển giáo dục, đồng thời đóng góp vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Đây là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết.
GS, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT); GS, TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ sâu sắc, với vốn kiến thức tích cóp cả đời làm giáo dục.
Phóng viên (PV): Từng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đồng thời từng thực hiện đề tài nghiên cứu cấp bộ: “Triết lý giáo dục Việt Nam”, ông đánh giá như thế nào về vai trò của TLGD đối với sự phát triển của giáo dục đất nước?
GS, Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Trước hết, phải khẳng định TLGD là vấn đề lớn của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng. TLGD có ý nghĩa quan trọng để phát triển sự nghiệp giáo dục. Lâu nay ở nước ta không dùng thuật ngữ TLGD, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta chưa có TLGD. Bởi nếu không có TLGD, làm sao chúng ta có được thành quả như bây giờ.
Tôi không bao giờ quên lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bác không dùng thuật ngữ TLGD mà đưa ra đường lối phát triển giáo dục là các khẩu hiệu. Trải qua thời gian, chúng ta luôn có những khẩu hiệu-là quan điểm chỉ đạo sự phát triển giáo dục Việt Nam.
Từ năm 1945 đến nay, mỗi giai đoạn lại có những định hướng cụ thể khác nhau bằng những quan điểm chỉ đạo giản dị, dễ nhớ như: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”; “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; hay “dạy tốt, học tốt”… Những khẩu hiệu này cũng được coi là TLGD bởi đã đưa Việt Nam từ 5% người dân biết chữ trước Cách mạng tháng Tám, lên hơn 97% người dân trong độ tuổi 15 đến 50 biết chữ ở thời điểm hiện nay. Điều đó không ai phủ nhận.
Khi làm bộ trưởng, tôi rất quan tâm tới vấn đề này. Năm 2011, tôi nhận nhiệm vụ thực hiện chương trình cấp bộ: “Triết lý giáo dục Việt Nam”; đồng thời cho xuất bản cuốn sách “Triết lý giáo dục: Thế giới và Việt Nam”. Đây là ấp ủ của tôi trong suốt 30 năm và chỉ hoàn thiện trong 6 tháng.
PV: Vậy trong quá trình nghiên cứu, ông xác định TLGD là gì?
GS, Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Trong công trình nghiên cứu, tôi đã đề xuất TLGD: “Giá trị bản thân”, tức là mỗi người hãy hình thành, phát triển và phát huy tâm lực, trí lực, thể lực của mình, cho mình, cho gia đình và xã hội. TLGD này đang đi vào cuộc sống.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo quan điểm của tôi, nghị quyết không dùng thuật ngữ TLGD nhưng đã đề ra đường lối phát triển giáo dục Việt Nam, nói vắn tắt là “năng lực và phẩm chất”. Tức là, giáo dục không chỉ dạy kiến thức để học sinh có năng lực làm việc cho bản thân, gia đình, xã hội, góp phần đưa đất nước phát triển, mà còn tạo ra những phẩm chất tương ứng cho từng con người trong thời đại mới.
PV: Mặc dù đến thời điểm này, chúng ta không sử dụng thuật ngữ TLGD, song triết lý này luôn tồn tại song hành trong quá trình phát triển của nền giáo dục nước nhà. Trong bối cảnh khái niệm TLGD đang có sự quan tâm đặc biệt của xã hội như hiện nay, theo ông, việc xây dựng TLGD cần dựa trên cơ sở nào?
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến: Trước hết, cần lưu ý rằng TLGD là thuật ngữ của Việt Nam, đi liền với thuật ngữ triết học giáo dục, nhưng có sự khác biệt về nội hàm và sắc thái. Cả triết học giáo dục và TLGD đều đề cập đến những vấn đề cơ bản xoay quanh các câu hỏi dạy cái gì? dạy ai? dạy để làm gì? dạy như thế nào? Sự khác nhau là ở chỗ, triết học giáo dục tìm cách trả lời các câu hỏi trên bằng cách thiết lập các tư tưởng, khái niệm, quan điểm trong một hệ thống lý luận ít nhiều nhất quán. Trong khi đó, TLGD đặt niềm tin vào các câu trả lời đó dựa vào một trường phái triết học giáo dục cụ thể, hoặc vay mượn từ nhiều trường phái triết học giáo dục khác nhau.
Nói như thế để thấy cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất của TLGD là triết học giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ này phức tạp hơn nhiều. Đó là vì các tư tưởng triết học trong triết học giáo dục còn khởi nguồn cho sự phát triển của các lý thuyết giáo dục-được xây dựng thông qua các nghiên cứu khoa học về giáo dục. Vậy nên, TLGD cũng còn được xây dựng trên cơ sở các lý thuyết giáo dục để tăng độ tin cậy trong các phát biểu của mình.
Nhìn chung là vậy, còn đặt trong bối cảnh kinh tế-xã hội cụ thể của từng quốc gia thì hiển nhiên sự phát biểu về TLGD phải là sự vận dụng của triết học giáo dục và lý thuyết giáo dục một cách phù hợp. Ở Việt Nam, TLGD được xây dựng trên cơ sở các lý thuyết giáo dục trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để phát biểu thành các quy định về mục tiêu giáo dục, nguyên lý giáo dục và định hướng phát triển giáo dục trong Luật Giáo dục.
PV: Bàn về TLGD, nhiều ý kiến cho rằng, TLGD chính là mục tiêu giáo dục của mỗi thời kỳ. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
GS, TS Phạm Tất Dong: Tôi cho đó là sự hiểu nhầm. Một trong những nguyên nhân của hiểu nhầm này là chúng ta không tìm hiểu khái niệm trước, không nhất trí với nhau về những nét cơ bản trong định nghĩa khái niệm và không khởi đi từ những nền tảng chung đó. Tôi đồng tình với quan điểm của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến. Nằm trong ý nghĩa của triết học, triết lý được hiểu là niềm tin, triết lý phải được thừa nhận bởi đông đảo người dân, gắn kết với sự nghiệp lớn và lâu dài của dân tộc, trong một phạm vi rộng. Triết lý phải được lựa chọn làm sao trở thành ý thức chung để ta thực hiện.
Tôi cho rằng, đầu tiên, có một triết lý mà muôn đời đều phải dùng, đó là triết lý “học để làm người”. Trước khi làm bất cứ việc gì, nhà trường phải đào tạo cho người học trở thành con người tử tế cái đã. Muốn làm một công dân, trước hết phải làm một con người có nhân cách. Muốn làm một chiến sĩ, một cán bộ thì trước tiên cũng phải làm một con người tử tế. Vì vậy, học làm người bao giờ cũng còn nguyên giá trị chứ không phải là lạc hậu, cổ lỗ. Năm 1996, UNESCO đã đưa ra TLGD với 4 trụ cột: Học để biết, học để làm, học cách sống cùng nhau và học để làm người.
Thứ hai, có rất nhiều hoạt động khác nhau, sự nghiệp khác nhau và mỗi sự nghiệp đều có một triết lý để thực hiện. Cho nên ta không thể gom lại được, ngay cả trong giáo dục cũng không thể có một triết lý duy nhất. Chúng ta thuyết phục nhau nên theo triết lý này hay triết lý kia là cực kỳ khó. Do vậy, cuộc tranh luận về triết lý sẽ không có hồi kết nếu như người này muốn áp đặt quan điểm của mình lên người không đồng tình. Vấn đề hiện nay là phải làm thế nào để người dân tin và đồng tình rằng: Cần phải đi theo hướng đó.
PV: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia!
==============
Bài gốc
Trả lời